Đột quỵ não và cách phòng ngừa

Đột quỵ não cùng với bệnh tim mạch và ung thư là 3 căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất. Chính vì vậy, việc nắm vững những kiến thức về căn bệnh này là vô cùng quan trọng. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp đến bạn đọc những kiến thức cơ bản về đột quỵ não, từ đó có thể biết cách nhận biết và phòng ngừa.

Đột quỵ não cùng với bệnh tim mạch và ung thư là 3 căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất.

Trên thế giới, trung bình mỗi phút có hơn 10 người tử vong và hơn 200 người bị tàn phế vĩnh viễn do đột quỵ não gây ra. Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 100.000 người tử vong do đột quỵ và con số đó không ngừng tăng lên, độ tuổi cũng ngày càng trẻ hoá.

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ não

Đột quỵ não là tình trạng nguồn cung cấp máu cho não bị gián đoạn hoặc suy giảm một cách đột ngột do tắc mạch máu não hoặc chảy máu bên trong sọ dẫn đến chết tế bào não. Đây cũng là nguyên nhân gây nên liệt, mất cảm giác, rối loạn ngôn ngữ, hôn mê và khả năng tử vong cao.

Để nhận biết đột quỵ não, có thể dựa theo các dấu hiệu như: khoé miệng và nhân trung bị kéo lệch sang một bên, gây mất cân đối, đặc biệt là khi cười; chân tay tê bì, mất cảm giác, gây khó khăn khi vận động hoặc mất hoàn toàn khả năng vận động; nói bị líu lưỡi, không rõ từ, không diễn đạt được ý, lắp bắp; đột ngột chóng mặt, mất thăng bằng; đột ngột đau đầu dữ dội mà không có yếu tố chấn thương; đột ngột có vấn đề về thị lực, mắt mờ hoặc hạn chế tầm nhìn; đột ngột rối loạn chi thức, hôn mê.

Cần lưu ý các dấu hiệu của đột quỵ não

Khi có ít nhất một trong những dấu hiệu trên, cần nghĩ ngay đến đột quỵ não và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Nguyên nhân nào gây đột quỵ não?

Nguyên nhân gây đột quỵ não chủ yếu là do tắc nghẽn động mạch não hoặc do vỡ động mạch não. Ngoài ra, các cơn thiếu máu não thoáng qua cũng là nguyên nhân khiến nguồn cấp máu đến não bị gián đoạn. Tuy nhiên, chỉ gây ra những triệu chứng tạm thời và có thể tự hồi phục.

Các yếu tố chính gây đột quỵ não bao gồm: Người có bệnh lý về huyết áp, bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, suy tim sẽ có nguy cơ bị đột quỵ não cao hơn so với người bình thường từ 2-5 lần. Bên cạnh đó, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia và sử dụng chất kích thích, ma tuý cũng làm gia tăng nguy cơ đột quỵ não. Chế độ ăn uống không hợp lý dẫn đến béo phì, thừa cân, mỡ máu cao. Bản thân từng bị đột quỵ, có cơn thiếu máu não thoáng qua hay từng bị đau tim. Sử dụng thuốc tránh thai, thay đổi nội tiết tố cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ não.

Những lưu ý trong cấp cứu bệnh nhân đột quỵ não

Khi phát hiện dấu hiệu đột quỵ não, người thân nên nhanh chóng chuyển bệnh nhân đi cấp cứu kịp thời. Việc này cần tiến hành khẩn trương, để bệnh nhân được tiếp cận với phác đồ điều trị đặc biệt trong thời gian ngắn nhất. Trường hợp cấp cứu không kịp thời sẽ dễ để lại di chứng nặng và làm giảm khả năng cứu sống người bệnh.

Khi sơ cứu tại chỗ, cần thực hiện theo nguyên tắc: Ưu tiên bảo vệ đường thở, đặt bệnh nhân nằm nghiêng; không nên cho bệnh nhân ăn uống để phòng trường hợp bị nôn, có thể gây ra tình trạng trào ngược, sặc chất nôn vào đường thở gây suy hô hấp; lau hoặc hút sạch đờm rãi, không để người bệnh sặc vào phổi. Đặc biệt, cần theo dõi các dấu hiệu co giật, méo miệng, nôn mửa, chóng mặt, mất thăng bằng, loạn trí. Khi người bệnh có dấu hiệu co giật, cần đảm bảo lưu thông đường thở tốt. Tuyệt đối không để bệnh nhân bị ngã dẫn đến các chấn thương, làm nặng thêm tình trạng đột quỵ não.

Khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện, cần cho người bệnh nằm ở tư thế nghiêng để đảm bảo lưu thông đường thở.

Có thể bạn quan tâm

Các biện pháp dự phòng đột quỵ não

Kiểm soát yếu tố nguy cơ

-Điều trị rối loạn lipid máu: Điều trị bằng thuốc cần kết hợp với liệu pháp thay đổi lối sống nhằm điều chỉnh rối loạn lipid máu, trong đó đặc biệt cần giảm cholesterol. Những người trên 45 tuổi cần được kiểm tra lipid máu định kỳ từ 6-12 tháng một lần.

-Kiểm soát đường huyết: Có thể kiểm soát bệnh đái tháo đường bằng thuốc điều trị kết hợp với chế độ ăn uống, tập thể dục và kiểm soát cân nặng.

-Kiểm soát trị số huyết áp: Mục tiêu của việc điều trị là đạt trị số huyết áp dưới 140/90mmHg nhằm làm giảm các biến chứng về tim mạch, thận. Sử dụng thuốc hạ huyết áp đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ.

-Phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý về tim mạch như: rối loạn nhịp, các tổn thương van tim, cơ tim đặc biệt là nhồi máu mới, nhồi máu cũ và bệnh lý cơ tim.

Liệu pháp thay đổi lối sống

Phòng ngừa đột quỵ não bằng cách thay đổi lối sống

-Chế độ ăn uống: Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất, hạn chế ăn nhiều chất béo, kiểm soát cân nặng và ngăn tình trạng béo phì. Thực hiện chế độ ăn với lượng muối và kali hợp lý bởi ăn mặn sẽ làm tăng huyết áp. Mức độ ăn kiêng được khuyến cáo chung là không quá 6g muối ăn mỗi ngày. Đồng thời, nên bổ sung kali bằng việc ăn thêm hoa quả và rau tươi. Giữ trọng lượng cơ thể ở mức vừa phải. Cần cai thuốc lá một cách triệt để vì hút thuốc làm nguy cơ đột quỵ và bệnh mạch vành tăng, đặc biệt là ở những người hút thuốc trên 40 điều mỗi ngày.

-Tập thể dục nhằm làm giảm thấp các yếu tố nguy cơ làm hạ huyết áp, giảm béo phì, đồng thời hạn chế tiến triển tổn thương xơ vữa động mạch. Nên tập thể dục ở mức độ trung bình, chẳng hạn như đều đặn đi bộ 30 phút mỗi ngày. Có thể đạp xe hoặc bơi lội ít nhất 30 phút/lần/ngày, 5 ngày/tuần cũng rất hữu ích.

-Duy trì giấc ngủ khoảng 7h mỗi ngày, nên ngủ sớm và dậy sớm.

Đột quỵ não là một trong những bệnh lý tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội bởi chi phí điều trị cao và tỷ lệ tàn phế rất nặng. Tuy nhiên đột quỵ não hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu chúng ta phát hiện sớm và điều trị các yếu tố nguy cơ.

Men gan tăng cao nguy hiểm như thế nào?

20/05/2022

Men gan tăng cao là cảnh báo của nhiều bất ổn trong cơ thể như viêm gan cấp, viêm gan mạn tính giai đoạn hoạt động, tắc đường mật, viêm

0242 123 5848